Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh

http://cadoco.vn


Lịch sử hình thành và phát triển thành phố Cam Ranh

Theo Bách khoa toàn thư mở[i], Cam Ranh có nguồn gốc từ tiếng Chăm, Ê Đê là Kăm Mran có nghĩa là bến tàu thuyền. Là một thành phố thuộc tỉnh Khánh Hòa.
images1158180 Do thi Cam Ranh 02

Thành phố Cam Ranh cách Nha Trang (tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hòa) 60 km về phía Nam, nằm bên Quốc lộ 1A, tọa lạc bên bờ Vịnh Cam Ranh, một vịnh biển tự nhiên được xem là vịnh tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á, nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển dịch vụ cảng biển và du lịch.

 
vinh CR

 

1. Lịch sử hình thành

Nói đến CAM RANH là nói đến cái ngọt. Camngọt. Ngọt đây là nước ngọt, vì Cam Ranh nằm bên bờ biển xanh, nước đầy muối mặn, nhưng Cam Ranh đã được thiên nhiên ban cho một trữ lượng nước ngọt lớn trong lòng đất. Tương truyền Nguyễn Ánh từ trong Nam đem quân đánh thành Quy Nhơn do tướng Tây Sơn trấn giữ. Thuyền gặp bão, phải ghé Cam Ranh tránh bão. Một trở ngại là không có nước ngọt cho quân sĩ dùng, nên Nguyễn Ánh lập đàn tế trời đất, thần linh. Sau lễ tế, Nguyễn Ánh cho quân đào sâu dưới cát tìm nước, một mạch nước hiện ra, đó là nước ngọt. Do sự kiện trên, Nguyễn Ánh đặt tên đất này là CAM LINH, nhờ có sự linh ứng nên có dòng nước ngọt. Từ đó vùng đất có tên CAM LINH, rồi CAM RANH. Vì trong  từ Hán Việt không có từ đầu là R nên RANH trong chữ Nôm, Hán đọc là LINH [ii], nên CAM RANH là phiên âm từ CAM LINH [iii].Hiện nay, tại thành phố Cam Ranh còn có 1 phường mang tên là CAM LINH.

Nước ngọt không những có từ những giếng khoan mà còn có một Ao Hồ, một hồ nước thiên nhiên chạy dài đến 1.300 m, chỗ rộng nhất gần 300 m, chứa hàng vạn mét khối nước, đặc biệt quanh năm không hao hụt, trên dãy núi Ao Hồ, nằm phía nam bán đảo. Đó là điểm đặc biệt của Cam Ranh.

Cam Ranh còn là một vùng đất đặc biệt. Không những quá trình di dân, khai hoang lập làng diễn ra chậm hơn nhiều so với các nơi khác trong tỉnh mà còn là một vùng đất đã nhiều lần đổi tên, sáp nhập, tách đi, rồi lại đổi tên, sáp nhập, tách đi … với vùng đất Ninh Thuận giáp ranh.

 
CR1

Từ năm 1653, Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lập dinh Thái Khang, Cam Ranh nằm trong phần đất của huyện Vĩnh Xương, thuộc phủ Diên Ninh. Năm 1742, đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Cam Ranh nằm trong phần đất thuộc phủ Diên Khánh thuộc dinh Bình Khang, dinh và phủ này đổi từ phủ Diên Ninh, dinh Thái Khang. Năm 1888, đời vua Đồng Khánh (1886-1888), có cuộc sáp nhập đầu tiên: nhập huyện An Phước (thuộc phủ Ninh Thuận) và 7 xã ở huyện Tuy Phong, 2 tổng ở huyện Hòa Đa (thuộc phủ Bình thuận) vào huyện Vĩnh Xương, tức là nhập vào phần đất Cam Ranh. Cho đến năm 1901, đời vua Thành Thái (1889-1907), đặt phủ Ninh Thuận thành đạo Ninh Thuận, các phần đất kể trên trả về cho đạo Ninh Thuận và Bình Thuận, đó là đợt tách chia lần thứ nhất.

Năm 1913, đời vua Duy Tân (1907-1916), có một cuộc sáp nhập lần thứ hai: lấy huyện An Phước và 5 tổng của phủ Ninh Thuận sáp nhập vào huyện Vĩnh Xương, tức là nhập vào phần đất của Cam Ranh, địa giới lại một lần thay đổi. Và cũng năm này, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất của quận lập thành Tổng Cam Ranh, gồm các tổng Thủy Triều, Cam Linh, Thịnh Xương và 6 tổng miền núi giáp tỉnh Ninh Thuận.

Tháng 6-1939, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, tổng Cam Ranh thành Nha Đại lý hành chánh Ba Ngòi trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 1946, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất của phủ Diên Khánh thành lập Nha Bang tá Suối Dầu, trực thuộc tòa Công Sứ Pháp ở Nha Trang.

Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vào tháng 7/1954, huyện Cam Lâm trở thành Nha kiêm lý Bang Tá Cam Lâm, trực thuộc tòa tỉnh Khánh Hòa. Đến tháng 12/1954, Nha Bang tá Suối DầuNha Kiêm Lý Bang tá Cam Lâm được gọi là Nha Đại diện Hành chánh Suối Dầu. Đến năm 1958, giải thể Nha Đại diện Hành chánh Suối Dầu sáp nhập vào địa phận Cam Lâm thành QUẬN CAM LÂM gồm 16 xã: Suối Hiệp, Suối Cát, Suối Tân, Suối Thượng, Suối Tiên, Cam Thượng, Cam Phú, Suối Vĩnh, Suối Hải, Suối Hòa, Cam Phúc, Cam Ranh, Cam Bình, Cam Linh, Cam Lộc.

Đến tháng 10-1965, thành lập THỊ XÃ CAM RANH gồm các xã lấy từ quận Cam Lâm: Cam Phúc, Cam Ranh, Cam Bình, Cam Linh, Suối Vĩnh, Suối Hải, Suối Hòa và các xã Hòa Diêm Trại Láng, Ma Dú, Sông Cạn, Mỹ thạnh của tỉnh Ninh Thuận sáp nhập vào cùng các xã Trà Long, Khánh Cam của quận Cam Lâm thành xã Cam Lộc. Ngày 6-7-1966, 8 xã trên thành Khu phố với 26 khu phố. Tháng 2-1968, lấy các xã Cam Sơn và một phần xã Cam Phú, Cam Thượng của quận Cam Lâm sáp nhập vào thị xã Cam Ranh. Đến tháng 11-1970, chia thị xã Cam Ranh thành 2 Quận: Quận BắcQuận Nam. Quận Bắc gồm các Khu phố: Suối Hòa, Suối Vĩnh, Suối Hải, Suối Cam. Quận Nam gồm các Khu phố: Cam Phúc, Cam Bình, Cam Ranh, Cam Phú, Cam Lộc, Cam Sơn, Cam Thịnh.

Dưới chính quyền Cách mạng, năm 1951, chia làm 2: Khu đặc biệt Cam Ranhhuyện miền núi Khánh Sơn.

Sau 1975, năm 1977, 2 đơn vị này nhập làm một lấy tên là HUYỆN CAM RANH  thuộc tỉnh PHÚ KHÁNH. Ngày 23-10-1978 thành lập thị trấn Ba Ngòi. Ngày 30-9-1981 chia xã Cam Thành thành 2 xã: Cam Thành NamCam Thành Bắc, chia xã Cam Phúc thành 2 xã: Cam Phúc NamCam Phúc Bắc. Đến ngày 27-6-1985, huyện Cam Ranh tách thành 2 huyện: huyện CAM RANH và huyện KHÁNH SƠN thuộc tỉnh Phú Khánh. Huyện Cam Ranh lúc bây giờ có 1 thị trấn và 16 xã. Năm 1989, huyện Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa (do tỉnh Phú Yên được tách ra).

Ngày 7-7-2000, từ cấp huyện, Cam Ramh được nâng cấp thành THỊ XÃ CAM RANH , có diện tự nhiên: 690 km2, dân số: 205.703 người (thống kê 2001), phía bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang, phía nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía tây giáp huyện Khánh Sơn, phía đông giáp biển Đông. Thị xã có 9 phường và 18 xã. 9 phường nội thị: Ba Ngòi, Cam Lộc, Cam Lợi, Cam Linh, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa và 18 xã ngoại thị : Cam Tân, Sơn Tân, Cam Hòa, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Thành Bắc, Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, Cam Phước Tây, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Đức, Cam Bình, Cam Lập.

Tháng 4-2007, theo Nghị định của Chính phủ, một huyện mới được thành lập: huyện CAM LÂM, lấy 12 xã ngoại thị của thị xã Cam Ranh: Cam Tân, Cam Hòa, Sơn Tân, Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Cam Hải Đông. Như thế, diện tích tự nhiên của thị xã Cam Ranh chỉ còn 316,4 km2, dân số: 125.311 người (năm 2007), gồm 9 phường nội thị và 6 xã ngoại thị.

Ngày 23/12/2010, theo Nghị quyết của Chính phủ, THÀNH PHỐ CAM RANH thuộc tỉnh Khánh Hòa được thành lập. Thành phố Cam Ranh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên (32.501,08 ha), dân số (128.358 người), gồm 9 phường: Ba Ngòi, Cam Linh, Cam Lợi, Cam Lộc, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa và 6 xã: Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Lập, Cam Bình. Địa giới hành chính của thị xã Cam Ranh: đông giáp biển Đông, tây giáp huyện Khánh Sơn và huyện Bác Ái (Ninh Thuận), nam giáp huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), bắc giáp huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ thứ XIX, Cam Ranh là một vùng đất vẫn còn rất hoang sơ, rừng nguyên sinh lấn sát tới bờ biển. Dân cư người Kinh chỉ có một vài thôn ở Hòa Tân, Thủy Triều ngày nay. Từ Đá Bạc trở vào, dân cư chủ yếu là người Raglai, vốn là dân bản địa lâu đời, sống chủ yếu dựa vào rừng rẫy và thu lượm hải sản, lâm sản. Theo các di chỉ khảo cổ ở xóm Cồn, thuộc phường Cam Linh (khai quật 2 lần vào các năm 1980, 1992), di chỉ trên đảo Bình Ba và Bình Hưng thuộc xã Cam Bình (khai quật năm 1990), đã phát hiện nhiều di vật của cư dân cổ như rìu đá, đồ gốm, đồ trang sức bằng lõi ốc…. có niên đại gần 150 năm cách đây. Di chỉ ở thôn Hòa Diêm thuộc xã Cam Thịnh Đông (khai quật năm 1999, 2002) cũng đã phát hiện hàng chục mộ chum, nhiều di vật bằng đá, đồng, sắt, thủy tinh, mã não, đồ gốm ... chứng tỏ di chỉ là nơi cư trú và mộ táng cách đây khoảng 2000 năm. Từ những di chỉ khảo cổ trên vùng đất Cam Ranh, chứng tỏ từ sớm đã có con người sinh sống trên vùng đất này.

CR1

 

Cam Ranh cũng là một miền đất ít xảy ra chiến trận trong cuộc giao chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Thời Tây Sơn, để tăng cường bảo vệ phía Nam, triều đình đã cho lập nhiều căn cứ quan trọng làm bàn đạp tấn công vào Gia Định, nên cho xây dựng trên đất Khánh Hòa nhiều đồn trại. Ở Cam Ranh có thành lũy Du Lâm, Tam Độc (Ba Ngòi), mục đích là chận đường tải lương thực của Nguyễn Ánh ở đây. Tướng Tây Sơn Đô Đốc Trần Quang Diệu đã từng ca ngợi: Cam Ranh hải thế thâm (Cam Ranh thế biển hiểm sâu), cho nên xuất dư yên biên tiệp, báo quốc thề công tâm (ra quân giữ yên biên ải, báo quốc quyết thề đồng tâm).

Khi nhà Nguyễn thiết lập được chính quyền, việc di dân từ các tỉnh ngoài vài khẩn hoang lập ấp ở Khánh Hòa, thì vùng Cam Ranh là nơi di dân thường ít đến để định cư. Dưới thời Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), vùng Cam Ranh chủ yếu làm nơi lưu đày những tội nhân bị án lưu. Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã chép: “Năm Ất Hợi, Gia Long thứ 14 (1815), tháng 11, sai lấy đất Tam Độc (BA NGÒI) trấn Bình Hòa làm nơi đày tù án lưu. Hạ lệnh cho trấn thần chọn nơi thủy thổ hơi lành và có địa lợi có thể nhờ mà làm ăn thì cho dựng nhà tranh cho ở[iv]. “Năm Đinh Sửu, Gia Long thứ 16 (1817), tháng 3, phạt tù tội lưu các địa phương đến Tam Độc trấn Bình Hòa. Vua bảo bộ Hình rằng:Đất ấy vốn màu mỡ, trước có dân làm ruộng để sống. Từ sau binh lửa dân vật hư hao, nên thành hoang rậm. Nay đưa người đến ở cũng có cách để sống. Rồi hạ lệnh cho trấn thần, phàm tù tội lưu đưa đến nơi nào thì tha xiềng khóa (tù tội lưu đều quàng 1 vòng sắt ở cổ có buộc bài sắt, bài có khắc hai chữ lưu tù), cấp cho trâu và ruộng để khai khẩn ruộng đất, lấy làm mà ăn. Nếu có tù trốn thoát, người giám thủ khỏi tội[v]. Cam Ranh dưới triều Nguyễn là nơi đày ải các tù nhân thì sang thời Pháp thuộc, Cam Ranh cũng trở thành nơi có một trại tù, thực dân hành hạ tù nhân xây dựng cảng, đường sắt làm nhiều tù nhân chết vì kiệt sức.

Cam Ranh có VỊNH CAM RANH, lòng vịnh rất sâu, tàu ngàn tấn có thể neo đậu được. Tại vịnh này, có sự kiện xảy ra vào năm Gia Long thứ 9 (1810), vào tháng 2, năm Canh Ngọ, “thuyền của thiên tổng Phúc Kiến nước Thanh là Tiêu Nguyên Hầu bị nạn dạt vào cửa biển Cam Ranh ở Bình Hòa, hơn 1 tháng trấn thần đem việc tâu lên. Vua khiển trách rằng: “sao chậm thế?”. Sai cho Tiêu Nguyên Hầu tiền 30 quan, lụa 4 tấm, vải 5 tấm, gạo 6 phương, lính đi theo 7 người, mỗi người tiền 5 quan, vải 2 tấm, gạo 3 phương. Dụ trấn thần rằng: ”Thuyền nước ngoài bị nạn, việc giúp đỡ đã có lệ định. Duy Tiêu Nguyên Hầu là người công sai của nước Thanh, cho nên đặc biệt thường cấp thêm để tỏ ưu đãi. Các người nên đem ý ấy bảo cho biết. Rồi sai gọi về Kinh, lại thêm tiền 100 quan và cho đưa đi đường bộ về nước [vi].

Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1905, hạm đội Nga vượt qua ba đại dương đến giải tỏa cảng Lữ Thuận đang bị hạm đội Nhật bao vây, đã ghé vào vịnh Cam Ranh tránh bão. Tại đây, hạm đội đã được tiếp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt suốt một tháng. Nhân sự kiện này, các nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp trên đường vào các tỉnh phía nam truyền bá phong trào Duy Tân đã ghé lại Vịnh Cam Ranh xem hạm đội Nga đang tránh bão ở đây. Các nhà chí sĩ đã giả trang khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên tàu Nga xem rất thích thú. Đó chẳng qua vì tính hiếu kỳ, chứ không có ý gì, như lời cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lại sau này. Sau này, Cụ Huỳnh bị Pháp bắt, tháng 8-1908, gông xiềng Cụ đày ra Côn Đảo với bản án “mưu bạn vi hành” (mưu làm giặc mà chưa làm), “xử tử đày Côn Lôn” mà chẳng bao giờ tuyên án. Sau, Cụ nhờ sao lại bản án để xem, Cụ không khỏi nực cười mà cao hứng ngâm bài thơ, trong đó có nhắc đến thuyền nước ngoài ở Cam Ranh:

Vô quốc hà năng bội ?

Ngu dân khởi hữu quyền

Hiệp thương thành họa sủy

Giảng học bị châu liên

Bàng quận danh sơn phú

Cam Ranh ngoại quốc thuyền

Viên thơ như phát bố

Đương tác tiểu biên niên

(Tác giả dịch : Không nước sao rằng bội ? Dân ngu há có quyền. Hiệp thương gây mối họa. Giảng học cũng can liên. Bình Định cùng làm phú. Cam Ranh muốn vượt thuyền. Án văn như phát bố. Truyện tớ có đời truyền).


HTK_CR

Và cũng nơi cảng Cam Ranh này, sau khi Hồ Chủ tịch thăm Pháp, chiến hạm Duymont d’Urville của Hải quân Pháp đưa về nước, vào ngày 18 tháng 10 năm 1946 đến vịnh Cam Ranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đô Đốc Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ và tướng Moóclie có mặt trên tuần dương hạm Sắpphơrông đón Hồ Chủ tịch, với các loại cờ, thủy thủ nghiêm trang bồng súng chào, phi đội máy bay bay lượn trên bầu trời. Trên tuần dương hạm Sắpphơrông, Hồ Chủ tịch được đãi tiệc và có cuộc nói chuyện với các tướng lĩnh Pháp trong hai giờ liền, về việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 và Tạm ước 14 tháng 9, nhằm ngăn chặn chiến tranh Pháp Việt có thể nổ ra. Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh không những là một sự kiện đáng nhớ trong lòng nhân dân Khánh Hòa mà còn góp phần vào sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
 


tuong_Bac1

2. Đặc trưng về hệ thống giao Thông

Thành phố Cam Ranh có cảng biển có tên là cảng Đá Bạc. Cảng được khởi công xây dựng vào khoảng thời gian năm 1922, đến năm 1924 đưa vào sử dụng. Cùng với việc xây dựng cảng, đường sắt nhánh từ ga Ngã Ba xuống cảng dài 4.190m cũng được thi công, nối liền với đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt vừa mới hoàn tất. Khi cảng đưa vào hoạt động, cầu cảng chỉ dài 81m, độ sâu trước bến khoảng 5m, tàu 4.000 tấn có thể cập bến được. Khi quân Mỹ vào Khánh Hòa, đã cho xây dựng ở bán đảo và vịnh Cam Ranh một căn cứ Hải quân, Không quân liên hợp có quy mô lớn. Bên bờ phía đông vịnh, làm 8 cầu cảng tạm, bằng phao, có kích thước lớn.


 

Từ năm 1979, theo hiệp định được ký kết giữa Nhà Nước ta với Liên Xô (cũ), Cảng được dùng làm căn cứ hậu cần của hạm đội Thái Bình Dương. Ngày 2-5-2002, cảng được bàn giao lại cho ta và cảng đã được nhà nước ta sử dụng phục vụ kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, không sử dụng vào mục đích quân sự.            

Từ đó, cảng được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, các tàu lớn có thể ra vào cảng dễ dàng. Đến nay, cầu cảng có chiều dài hơn 500m, độ sâu trước bến 11,6 m, tàu 30.000 tấn có thể cập cảng được. Kho bãi ở cảng chiếm diện tích 8.000 m2, bãi chứa với 30.000 m2, có 6 cần cẩu tải trọng lớn nhất 30 tấn… Tổng lượng hàng hòa thông qua cảng bình quân 1 triệu tấn/năm

Ngày 31 tháng 10 năm 2007, cảng Ba Ngòi trở thành thành viên thứ 61 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Từ đây cảng sẽ có điều kiện phát triển để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp trong địa bàn và trong khu vực. Tổng Công ty cũng vừa có một quyết định đầu tư nâng cấp cảng thành cảng container chuyên dụng, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cảng Đá Bạc là cửa ngõ xuất khẩu muối của Cam Ranh và tỉnh Ninh Thuận. Dân cư sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ngư nghiệp, làm muối, lâm nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ cảng.

Sản vật của Cam Ranh xưa nay nổi tiếng như: tôm hùm Bình Ba, hàu Trà Long, ốc tai tượng, muối Cam Ranh, nhựa thông, xoài Thanh Ca... Khoáng sản có sa khoáng Imenhit, thạch anh... nhưng nổi tiếng nhất là cát thuỷ tinh Thuỷ Triều (nay thuộc địa phận huyện Cam Lâm), là nguyên liệu lý tưởng cho công nghiệp chế biến thuỷ tinh pha lê, kính quang học.

Cam Ranh có Vịnhh Cam Ranh độc đáo. Toạ lạc ở vị trí địa đầu phía Nam của tỉnh, Bắc giáp Nha Trang và Diên Khánh, phía Tây giáp huyện Khánh Sơn, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Đông là bán đảo Cam Ranh tạo nên vịnh Cam Ranh nổi tiếng (dài 20km, chỗ rộng nhất 10km, sâu trung bình 18,2m, sâu nhất 30m, cửa vịnh thông ra biển rộng 3km, có đảo Bình Ba án ngữ nên vừa kín gió vừa êm sóng), có thể sánh ngang với vịnh Sanfrancisco của Mỹ và vịnh Rio de Janeiro của Brazil. Vịnh Cam Ranh thông ra biển bằng Cửa Lớn và Cửa Bé. Từ trong Vịnh đi qua một cửa hẹp

Đường hàng không

Thành phố Cam Ranh có Sân bay quốc tế Cam Ranh đầu mói giao thông quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Cũng là sân bay lớn thứ 4 Việt Nam tính theo số lượng khách thông quan.

Đường Sắt

Bên cạnh sân bay Cam Ranh - một trong số ít sân bay có đường băng lớn và dài nhất ở Việt Nam hiện nay, sân bay có tốc độ tăng trưởng hành khách khá cao, thành phố Cam Ranh còn nằm trên các trục giao thông huyết mạch của cả nước (Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam ) rất thuận lợi cho xây dựng trung tâm tiếp nhận và trung chuyển khách du lịch.

Cam Ranh nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam thuận lợi cho việc liên kết với các tỉnh còn lại của Việt Nam. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố chỉ có một ga nhỏ là ga Ngã Ba, một ga cũ từng bị bỏ hoang trong hơn 20 năm và từ năm 2007 mới được phục dựng lại để đón khách. Các tàu Thống Nhất có đi qua Cam Ranh nhưng không đổ lại ga Ngã Ba đón, trả khách. Hiện nay ga đã mở cửa đón khách của các chuyến tàu Bắc – Nam.

Đường thủy

Án ngữ phía đông và phía Nam của thành phố là vịnh Cam Ranh, vũng Bình Ba nước sâu, kín gió, kín sóng rất thuận tiện cho xây dựng cảng neo đậu tàu thuyền tránh bão và cung cấp dịch vụ đi biển. Bên cạnh đó, Cam Ranh gần đường hàng hải quốc tế quan trọng của biển Đông, đồng thời có cảng Ba Ngòi đã và đang được nâng cấp mở rộng thành cảng quan trọng trong hệ thống cảng biển của vùng Nam Trung bộ, thuận lợi để phát triển giao lưu quốc tế, tạo cơ hội tốt hơn cho Cam Ranh tham gia thị phần vận tải biển quốc tế và khu vực.

Với tài nguyên biển, tài nguyên ven bờ đa dạng và phong phú, Cam Ranh là vùng có nhiều tiềm năng phát triển các ngành kinh tế biển như: công nghiệp đóng tàu; xây dựng hệ thống cảng tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa, cảng thương mại; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ du lịch; nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản; sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp. Sự phát triển của hệ thống cảng biển sẽ kéo theo hoạt động của nhiều ngành dịch vụ khác, tạo cơ hội thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm, trước hết là cho lực lượng lao động của thành phố và của tỉnh

Khai thác tốt những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", cán bộ và nhân dân Cam Ranh đã và đang phấn đấu xây dựng Cam Ranh trở thành đô thị trẻ, năng động của tỉnh Khánh Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Đào Duy Anh- Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa-Huế,1994
  2. Nguyễn Quang Xỹ - Vũ Văn Kính, Tự điển chữ Nôm, Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn xb, 1971, tr.637

3.Lê Trung Hoa, trong Từ điển Từ nguyên địa danh Việt Nam, Quyển 1, Hội VNDGVN liên kết NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013

  1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục  
  2. UBND tỉnh Khánh Hòa - Địa chí Khánh Hòa – NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003
 

[i] https://vi.wikipedia.org/wiki/Cam_Ranh

[ii]Nguyễn Quang Xỹ - Vũ Văn Kính, Tự điển chữ Nôm, Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn xb, 1971, tr.637.

[iii] Lê Trung Hoa, trong Từ điển Từ nguyên địa danh Việt Nam, Quyển 1, Hội VNDGVN liên kết NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013, cho rằng “Cam Ranh gốc Chăm. Nhiều người cho rằng dạng gốc của địa danh này là Cam Linh. Nhưng theo suy đoán của chúng tôi, để phiên âm Cam Ranh, các nhà Nho đã mượn hai từ Cam Linh vì trong từ Hán Việt không có từ nào khởi đầu bằng R nên phải mượn từ Linh; giống như để phiên âm Bà Rịa, người ta ghi Bà Lị. Chưa rõ ý nghĩa của Cam Ranh “ (trg.203).

[iv] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Tập Một, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, trg.911.

[v]Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, trg.945.

[vi]Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, trg.782.

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây