Công ty Cổ phần Đô thị Cam Ranh

http://cadoco.vn


Công viên 18 tháng 10

Công viên 18 tháng 10 tọa lạc tại phường Cam Phú, là khu vực trung tâm thành phố Cam Ranh. Phía Đông giáp đại lộ Hùng Vương (QL1A), phía Bắc giáp đường Phạm Văn Đồng, phía Nam và Tây giáp đường Phạm Hùng (đường lên và xuống).
Công viên 18 tháng 10

Kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cam Ranh lấy tên công là là 18 tháng 10. Đây cũng là nơi đặt công trình tượng đài Bác Hồ.

Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Cam Ranh là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoành tráng, có giá trị trường tồn về cả nội dung và hình thức, thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Cách đây 62 năm, ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp theo lời mời chính thức của chính phủ Pháp. Cùng đi với Bác, có phái đoàn của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với chính phủ Pháp.
 
Ngày 6/7/1946 Hội nghị Phông-ten-nơ-blô khai mạc và kéo dài đến ngày 10/9 bàn về các vấn đề: Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và nhiều nội dung liên quan đến mối bang giao giữa Việt Nam với các nước liên bang Đông Dương, vấn đề thống nhất 3 kỳ và trưng cầu dân ý ở Nam bộ.

Nhưng do lập trường thực dân của chính phủ Pháp và các hành động gây chiến vi phạm các điều khoản Hiệp định 6/3 của Pháp ở Việt Nam. Vì vậy cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp ở Phông-ten-nơ-blô không đạt kết quả. Phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời Paris vào tối 13/9/1946 và xuống tàu về nước ngày 14/9 tại cảng Mác-xây.

Nhưng để tỏ rõ hơn nữa thái độ thiện chí vì hòa bình của Việt Nam, tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn để xây dựng đất nước, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến sắp xảy ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ở lại nước Pháp thêm một thời gian nữa để tiếp tục đàm phán.

Người đã gặp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuyt Mute vào trưa 13/9 và đêm 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại đã ký bản Tạm ước 14/9. Bản Tạm ước gồm 11 khoản, trong đó có điều khoản quan trọng nhất là đình chỉ chiến sự ở Miền Nam, quyết định thời gian tiếp tục đàm phán Việt - Pháp vào đầu năm 1947.

Ngày 16/9/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Paris, và ngày 18/9 Người cùng đoàn tùy tùng trên chiến hạm Duy-mông Duyêcvin của Pháp về nước.

Trên đường về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi nhiều thư, điện tín cho bạn bè thân hữu và quan chức của Pháp quốc tiếp tục thể hiện thiện chí hòa bình của Việt Nam.

Ngày 18/10/1946 nhận lời mời của cao ủy Pháp, tàu Duy-mông Duyêcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào vịnh Cam Ranh để hội kiến với Đác-giang-liơ và tướng Molie về việc thực hiện Tạm ước 14/9. Hai bên đã thỏa thuận được một số điểm: Đồng ý về việc bổ nhiệm một đại diện của chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện việc ngừng bắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của Đác-giang-liơ đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút về miền Bắc. Và cuối cùng cuộc hội kiến cũng kết thúc vui vẻ. Đây là lần thứ 2 sau 7 tháng, Cao ủy Đác-giang-liơ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi lễ chính thức trên biển.

Ngày 20/10 tàu Duy-mông Duyêcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hải Phòng. Ngày 21/10 Bác đi chuyến xe lửa đặc biệt về thủ đô Hà Nội. Hai bên đường từ Hải Phòng đến Hà Nội, hàng chục ngàn nhân dân, cờ đỏ sao vàng rợp trời thay mặt cho nhân dân cả nước chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trở về thủ đô Hà Nội.

Chuyến thăm nước Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ chí Minh với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, khách mời đặc biệt của Chính phủ Pháp, là một sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn đến vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ. Lần đầu tiên Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo ngang hàng với Quốc kỳ Pháp và tung bay trên đất Pháp. Đây cũng là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp cho đến lúc người đi xa về cõi vĩnh hằng.

Sự kiện ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé vào vịnh Cam Ranh hội kiến với cao ủy Pháp Đác-giang-liơ là một mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, tại cuộc hội kiến này, Bác đã thể hiện thái độ thiện chí vì hòa bình, nhưng rất cương quyết, bản lĩnh, đấu tranh đến cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Kể từ năm 1911, khi Người rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng, thì đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Người trở lại miền Trung. Vì vậy sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này không chỉ đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với toàn thể nhân dân miền Nam.

Để ghi lại và thể hiện sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng này bằng hình tượng nghệ thuật, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với dân tộc, thể hiện tình cảm kính trọng và biết ơn của nhân dân cả nước nói chung. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Bằng tài năng và trí tuệ, với tất cả tình cảm yêu quý và kính trọng đối với Bác của các nhà điêu khắc tiêu biểu trong cả nước. Sau một năm hưởng ứng cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Cam Ranh”. Với sự tham gia của 16 nhóm tác giả, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau 3 vòng tuyển chọn, Hội đồng Nghệ thuật tượng đài và Tranh hoành tráng của tỉnh đã chọn phác thảo của nhà điêu khắc Trần Việt Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh để thể hiện tượng đài. Sau 5 tháng triển khai thi công, gần 100m3 đá hoa cương khô cứng, hai mươi nhà điêu khắc và nghệ nhân có chuyên môn giỏi đã làm việc hết mình, nghiêm túc, cẩn trọng đến từng chi tiết, bóc tách, lược bỏ những phần dư thừa của khối đá, để hoàn thành tác phẩm.


Với chiều cao của tượng là 3,9m; chiều cao bệ tượng 4m, bằng ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, hình tượng được khái quát cao, khối, hình tinh giản, khúc triết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư thế vững chãi, tay phải duỗi căng, nắm chặt như đang bước về phía trước, vầng trán cao lồng lộng, thanh thản, nhưng cương quyết, thể hiện ý chí của Bác tại cuộc hội kiến với cao ủy Đác-giang-liơ trước thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc “Cương quyết không rút quân đội của Việt Nam tại miền Nam ra miền Bắc”. Sự cương quyết đến đanh thép, nhưng Bác vẫn ung dung, lạc quan, tự tin vào vận mệnh của đất nước.

Toàn bộ tượng được bố cục vững chãi trên bệ là khối đá hoa cương, gợi mũi con tàu và sóng biển Cam Ranh nơi mà 62 năm trước, đã diễn ra sự kiện trọng đại này. Với kết cấu chặt chẽ, hình tượng thật đặc trưng, tiêu biểu, ý tưởng cô động, dễ hiểu, gợi cho người xem liên tưởng, cảm nhận về một thời khắc lịch sử thật cam go của dân tộc, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cầm lái vĩ đại.

Để làm rõ nội dung của chủ đề, tạo cho bố cục tổng thể tượng đài chặt chẽ, hài hòa với không gian hiện có. Phía sau tượng đài là mảng phù điêu của nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, với diện tích gần 100m2, bằng chất liệu bê tông giả đá, gợi cho người xem cảm nhận một thời kỳ thật oanh liệt, hào hùng về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay trong công cuộc đổi mới và hội nhập, phát huy sức mạnh tổng hợp, bằng nội lực của chính mình, Khánh Hòa đang cất cánh cùng cả nước. Phù điêu là một bản hùng ca, góp phần nâng cao giá trị tư tưởng và thẩm mỹ của tượng đài, là biểu tượng thật khái quát, cô đọng về Khánh Hòa hôm qua, hôm nay và ngày mai. Một Khánh Hòa giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường, bất khuất. Một Khánh Hòa năng động, sáng tạo, tiềm năng và nhiều triển vọng trong hội nhập và phát triển.

Trong không gian rộng lớn của công viên, những rặng tre la ngà, hàng cây vạn tuế, những bông sứ đỏ và những chùm dâm bụt, là sản vật đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được bố cục hài hòa, quây quần bên tượng Bác, tạo nên không gian văn hóa, ấm cúng, tôn nghiêm. Rồi đây công viên 18/10 của thành phố Cam Ranh sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa sang trọng, là nơi để tuổi trẻ Khánh Hòa và tuổi trẻ cả nước kính dâng lên Bác những chiến công, những thành tựu đã nỗ lược phấn đấu đạt được trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Quyết đưa đất nước vươn lên sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn biển để thỏa lòng mong ước của Bác, là nơi đón tiếp các thế hệ con cháu trên khắp mọi miền đất nước, kiều bào và du khách quốc tế đến tham quan, chiêm bái.


Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Cam Ranh là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoành tráng, có giá trị trường tồn về cả nội dung và hình thức, thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử thành phố

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây